Trong văn hóa tâm linh người Việt, thờ cúng được xem là một phần của truyền thống, là việc hệ trọng và vô cùng thiêng liêng. Do vậy, ngôi nhà dù hiện đại như thế nào thì không gian thờ cúng vẫn giữ một vị trí cực kì quan trọng.
Không chỉ có bàn thờ tổ tiên, nhiều gia chủ còn lập bàn thờ Phật ngay tại gia. Hãy cùng điểm một số cách bày biện và sắp xếp không gian thờ cúng của các gia chủ Việt sau đây nhé!
Mục Lục Nhà Cấp 4
Bí quyết bày trí bàn thờ đẹp – phong thủy
Chọn hoa quả, lễ vật dâng lên tổ tiên sẽ tùy vào điều kiện kinh tế cũng như tấm lòng của gia chủ. Nhưng không có nghĩa là lễ vật càng cầu kỳ thì mới thể hiện được hết tấm lòng, cái chính vẫn là sự thành tâm.
Bố cục để bàn thờ gia tiên đẹp đúng phong thủy
Tùy theo cách sắp xếp bàn thờ gia tiên của mỗi gia đình khác nhau, nhưng để tiêu chuẩn làm trang trí bàn thờ gia tiên thì có thể tham khảo sơ đồ bố cục bàn thờ bên dưới, một số vật phẩm có thể gia giảm bớt.
Các vật dụng trang trí bàn thờ gia tiên được liệt kê bên dưới:
- Hoành phi, đại tự, cuốn thư: có thể thay thế bằng khung chữ vạn hoặc không có tùy gia đình.
- Câu đối: đặt cân đối hai bên, có thể không có tùy gia đình và diện tích phòng thờ
- Ngai thờ, khám thờ: bài vị, trang thờ gia tiên dòng tộc phía Bắc hay có hơn
- Di ảnh: luôn có trên bàn thờ gia tiên truyền thống. Nhưng hiện tại nhiều gia đình lược bỏ
- Đỉnh thờ: để đốt trầm hương, tăng thêm phần cung kính. Có thể lược bỏ vì đã có thắp hương.
- Chân nến: đại diện cho hành hỏa trên bàn thờ, luôn cần có. Có thể thay thế chân nến bằng đèn dầu
- Hạc thờ: vật phẩm sạch sẽ cao quý trong văn hóa truyền thống người Việt. Tùy gia đình
- Bát hương: luôn cần có, tùy nhà để từ 1-3 bát hương
- Mâm bồng: để vật phẩm cúng cho bàn thờ gia tiên. Nhiều nhà chọn cách làm bàn nhỏ ở dưới để dâng cúng thay cho mâm bồng.
- Đài thờ: cũng là lọ đựng gạo – muối – đường
- Ngai chén: chén nước luôn cần có
- Ống đựng hương: luôn cần có
- Lọ hoa: luôn cần có hoa mới
- Đèn thờ: luôn cần có
Bố cục trang trí bàn thờ thần tài đẹp hợp làm ăn
Dù sắp xếp theo bố cục đơn giản hay được bài trí theo phong thủy thì trang thờ ông địa – thần tài nên được bố trí ngăn nắp, sạch sẽ. Luôn có nhang đèn hằng ngày và cúng lễ ngày rằm mùng một để bày tỏ sự thành tâm của gia chủ.
Theo đó, gia chủ muốn chiêu tài kích lộc trên bàn thờ thần tài thổ địa cần hết sức lưu ý các vật dụng trang trí bàn thờ:
- Xác định đúng tài vị để đặt bàn thờ ông địa thần tài đúng hướng
- Bài vị tự bảo đương: để vào trong cùng làm trang thờ trang trọng
- Nước – gạo – muối: tượng trưng cho đầy đủ của cải trong nhà
- Ông cóc: tượng ông cóc ngậm tiền để chiêu thêm tài lộc
- Dĩa tỏi: tùy vào niềm tin mỗi người, tỏi là vật phẩm ông địa thích
Bình hoa để bàn thờ đẹp
Bình hoa để bàn thờ đẹp là các vật dụng trang trí bàn thờ không thể thiếu để bày tỏ cung kính đến các bậc bề trên. Nếu không thể cúng hoa tươi hằng ngày thì nên để một bình hoa giả mang sắc tươi tắn và cúng hoa tươi ngày rằm mùng một. Hoa giả tuy không được như hoa tươi nhưng cũng mang sinh khí tốt cho gia chủ.
Những loại hoa dùng để cúng thường phải mang lại sự thanh mát và an vui. Bình hoa để bàn thờ cần chọn các loại hoa dáng đẹp thanh tú, mùi thơm nhã nhặn, màu sắc tươi tắn. Cụ thể như hoa cúc vàng, hoa sen, hoa ly, hoa huệ, hoa dơn,…đều là những hoa phù hợp cho bình hoa để ban thờ đẹp mang màu sắc tươi đẹp, không nhanh tàn héo và có sức sống dẻo dai.
Hoa cúng bàn thờ phải được nâng niu cầm cao nhẹ nhàng, đặt để nơi sạch sẽ, không mùi tanh hôi hoặc cắm vào xô nước khi đang sơ chế. Để bình hoa để bàn thờ đẹp đúng quy cách cần phải được lau rửa cẩn thận và tuyệt đối không nên để hoa héo, dơ bẩn. Gia chủ cần để ý cắt bỏ những phần lá hư, cành lìa, phần gốc lá quá nhiều và chỉ giữ lại phần hoa tươi, đẹp để giữ bày bàn thờ đẹp.
Bình hoa để ban thờ cũng cần chọn loại bình và hoa phù hợp cho từng ban về mặt kích thước.
Bình hoa để ban thờ thần tài thổ địa nên nhỏ gon, màu sắc tươi sáng hoặc ý nghĩa tốt như hoa đồng tiền, hoa cúc, hoặc có thể thay bằng bình cây phát tài để suốt. Một số nhà còn để hai bình hoa cho đẹp hai bên ban thờ thần tài thổ địa.
Bình hoa để bàn thờ gia tiên cần phải to đẹp để vừa vặn với bàn thờ lớn. Nhiều nhà sắp hai bình hoa lớn hai bên để đối xứng hơn nữa.
Cắm hoa để trang trí bàn thờ cũng cần chú ý để hoa được tươi lâu nên thêm thuốc dưỡng hoa hoặc đường vào trong lọ nước. Trước nhiệt độ phòng thờ trong nhà quá nóng làm hoa nở sớm, mau tàn. Khi hoa tàn phải mau chóng hạ bình hoa xuống, không để sự hôi thối bốc lên làm hỏng không khí trang nghiêm của phòng thờ trong nhà.
Lưu ý, hoa hồng dù đẹp, thơm là thế nhưng nó là một trong những loài hoa không nên bày trên bàn thờ. Bởi hoa hồng có gai và được bón bằng phân gà nên khí mà hoa hồng hấp thụ sẽ đem đến vận khí xấu.
Ngoài ra, gia chủ cũng cần đặc biệt chú ý khi thắp hương cho thần Phật không nên sử dụng hoa cúc. Do hoa cúc là dành riêng cho vong linh hoặc để thắp hương ngoài nghĩa địa, mồ mả…
Những loại quả nên dùng để bày trên mâm bồng
Theo quan niệm của người Việt xưa thì cách trang trí bàn thờ có mâm quả dâng lên tổ tiên cần có đủ 5 loại quả, đại diện cho ngũ hành âm dương Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ. Tuy nhiên, một số quan niệm thời nay lại cho rằng mâm ngũ quả trên bàn thờ gia tiên không nhất thiết phải nhiều hay ít mà quan trọng là tấm lòng.
Thường là gồm 5 loại quả có các màu sắc khác nhau như chuối xanh, bưởi vàng, lê trắng, hồng đỏ và quýt da cam. Những quả này tượng trưng cho ước muốn: Phú (giàu có) – Quý (sang trọng) – Thọ (sống lâu) – Khang (khỏe mạnh) – Ninh (yên bình).
Bên cạnh đó, tùy theo từng vùng miền mà mâm ngũ quả cũng có sự khác nhau như:
- Miền Nam: Người Nam có lối nói trại âm hay đơn tiết nên mâm ngũ quả thường gồm mãng cầu, sung, dừa, đu đủ và xoài tượng trưng cho mong muốn: Cầu – Sung – Vừa – Đủ – Xài, tức là cầu được dư dả và sung túc.
- Miền Bắc: Người miền Bắc thường hướng đến ý nghĩa biểu tượng hơn, thường gồm Phật thủ hoặc nải chuối tượng trưng cho bàn tay che chở của Đức Phật; bưởi hoặc dưa hấu thể hiện sự viên mãn, trọn vẹn; màu sắc thắm tươi của quýt hay hồng tượng trưng cho sự may mắn và phồn thịnh.
- Miền Trung: Cách bày hoa quả của người miền Trung thường đơn giản hơn nhiều, dù là cúng rằm, lễ tết họ cũng đều dựa vào các loại quả có sẵn của vùng miền là chủ yếu. Thường sẽ gồm thanh long, chuối, dừa, sung, cam quýt,…. Cũng do khí hậu khắc nghiệt nên gần như không có nhiều nguyên tắc.
Cách bày hoa quả trên bàn thờ đẹp
Dù khác biệt trong cách lựa chọn hoa quả cúng theo từng vùng miền nhưng cách bày trí các vật dụng trang trí bàn thờ của cả 3 miền đều tuân theo quy tắc “Đông Bình – Tây Quả”.
Tức là bình hoa bàn thờ đẹp đặt ở bên trái (phía Đông – tượng trưng cho mùa Xuân đơm hoa), còn mâm bồng để trái cây đặt bên phải (hướng Tây – tượng trưng cho mùa Thu kết trái).
Hơn nữa, khi dâng hoa quả cúng trên bàn thờ gia chủ cần lưu ý một số điều quan trọng sau:
- Chọn hoa quả thật tươi ngon và tuyệt đối không bày hoa quả giả bằng nhựa, quả mọc sát mặt đất hay trái cây chín nẫu để cúng.
- Trước khi thắp hương phải lau chùi hoa quả thật sạch, loại bỏ các trái hư, hoa héo trước khi dâng cúng lên tổ tiên.
- Trước khi thắp hương dâng lễ, gia chủ nên dọn dẹp và lau chùi bàn thờ gia tiên cho sạch sẽ. Đồng thời, người thắp hương cũng cần ăn mặc sạch sẽ, gọn gàng.
- Nên dâng cúng với số lượng quả lẻ và chọn hương thắp số lẻ như 1, 3, 5, 9. Vì đây đều là những con số mang lại may mắn và tài lộc dồi dào trong phong thủy.
XEM THÊM:
Bí Quyết Chọn Vách Ngăn Bàn Thờ Đẹp + 20 Mẫu Tham Khảo
5 ý tưởng trang trí nhà đẹp cho không gian sống lành mạnh – dễ chịu
Cách bày biện bàn thờ đón Tết đẹp
Dọn dep bàn thờ đón Tết là một phong tục đẹp của người Việt Nam, gia đình nào còn giữ được truyền thống này thì còn rất tốt đời đẹp đạo. Những ngày giáp Tết, ngoài việc dọn dẹp nội thất nhà cửa, mỗi gia đình sẽ cắt cử một vài người chăm lo cho bàn thờ, vì dọn dẹp bàn thờ phải hết sức tôn kính, biết lễ nghi, biết cư xử.
Một số lưu ý cho việc dọn dẹp bàn thờ đón Tết một cách suôn sẻ tốt đẹp. Admin đã tham khảo nhiều bài báo và pháp giảng của Phật giáo cũng như cân nhắc đến các yếu tố thời đại mới:
- Tùy tục gia đình, nhiều quả nhiều hoa hay ít quả ít hoa không thành vấn đề, miễn chưng bày cho đẹp mắt, cho tỏ thành kính
- Lau dọn bàn thờ quý nhất là lòng tôn kính Thần Phật, ông bà tổ tiên, dọn nhà đón Tết thì cũng dọn bàn thờ các bậc bề trên về ăn Tết chung với gia đình.
- Nước lau bàn thờ: nước thảo mộc hoa quế rất dễ chịu và dễ mua. Không nên lau rượu hoặc nước lã, bí quá thì vẫn nên dùng nước thật sạch
- Lau dọn từ bàn thờ trên cao xuống bàn thờ dưới thấp, tránh bui bặm tỏa khắp phòng
- Cần lưu ý an toàn khi dùng thang đứng lên lau bàn thờ ở trên cao
- Kích thước mâm quả cúng, đơm bánh trái, bình hoa không cần quá to mà nên nhỏ vừa phải để bàn thờ trang nghiêm, an toàn
- Chú ý thay bóng đèn, làm sáng chân đèn, kỳ cọ các ly tách sạch sẽ
- Thay chân nhang cần giữ một ít cát cũ và chân nhang cũ
- Không nên suy diễn quá nhiều về việc động lư hương khi lau dọn. Không động không di chuyển làm sao dọn sạch được.
- Để tỏ lòng kính cẩn, trước khi dọn dẹp bàn thờ nên khấn xin phép trước.
Một số mẫu mâm quả trưng bày ngày Tết đẹp, gia đình tham khảo, nhưng thật sự một mâm quả đơn giản, 1 loại quả, 1 bình hoa với đầy đủ hương nhang, ly nước cũng đủ tỏ lòng thành kính. Để có thêm không khí Tết gia chủ có thể trang trí thêm nhành hoa hoặc dán chữ đỏ, chữ mạ vàng, cặp liễn nhung trên mâm quả bình hoa.
Ngày nay, quan điểm về mâm ngũ quả trên bàn thờ gia tiên đã hiện đại hơn rất nhiều. Nhiều gia đình không còn suy nghĩ tiêu cực về tên các loại quả ứng với ý nghĩa xấu nào mà đơn giản là Dâng quả ngọt lành đến ông bà tổ tiên.
Các gia đình ở phía Bắc trang trí thêm ớt đỏ trên mâm quả để mang thêm màu sắc đẹp.
Cách trang trí bàn thờ ông địa làm ăn phát đạt gia đình ấm êm
Bàn thờ ông địa ông thần tài luôn phải có đối với gia đình người Việt. Không chỉ là những vị thần phù hộ làm ăn mua bán, ông địa ông thần tài còn coi sóc nhà cửa về phần âm cho gia chủ. Không thiếu các trường hợp oan gia trái chủ vào được nhà vì nhà không thờ ông địa thần tài.
Các vật dụng trang trí bàn thờ ông địa thần tài nên có đầy đủ nhang đèn, trái cây, hoa quả. Để chiêu tài kích lộc hằng ngày, người buôn bán còn dâng lên dĩa tỏi, điếu thuốc, ly cafe sữa.
10 vật phẩm phong thủy nên để ở trang thờ Ông Địa, Thần Tài
Ngoài ra một số mẹo để trang trí bàn thờ thần tài thổ địa đầy tài lộc như:
- Luôn để 1 tờ tiền dưới bát nhang trang thờ thần tài
- Trưng thêm 1 hũ tiền xu, thỏi vàng hoặc tượng bao tiền, dải xu ngũ đế
- Trưng thêm một số lọ cây, chậu cây như cây phát lộc, cây phát tài, kim ngân, kim tiền
- Đặt bát nước có đá phong thủy và cánh hoa để tụ tài
- Nuôi bể cá nhỏ ở vị trí phong thủy hoặc đặt thiềm thừ(cóc vàng), tỳ hưu, ông Phật Di Lặc.
- Đặt 3 lọ muối gạo đường, tháp tỏi nho nhỏ
Trang trí ban thờ thần tài trên bàn thờ đã có ông địa và ông thần tài có thể để thêm tượng ông thần tài.
Đặt ông cóc, hoặc ông rùa để chiêu tài kích lộc rất tốt bên cạnh bàn thờ thổ địa thần tài
Trang thờ thần tài thổ địa luôn cần để vị trí sạch sẽ, sáng sủa nhất, nhưng luôn để dưới đất vì các ông thích như vậy. Nhưng cần để ở nơi có thể dễ dàng quan sát người ra vào trong nhà.
Cách cúng vía thần Tài mùng 10
Chuẩn bị lễ vật cúng Thần Tài mùng 10:
- Đĩa Tam Sên: thịt heo luộc, tôm luộc, trứng luộc
- Địa Thịt Quay
- Miền Nam sẽ cúng cá lóc nướng
- Bình hoa tươi và Trái Cây như quýt, thanh long, dưa hấu đỏ
- Một chậu nước có rải hoa tươi và đá phong thủy
Lưu ý khi cúng lấy lộc ngày Vía Thần Tài:
- Nên mua vàng ngày vía Thần Tài và thả vàng vào chậu nước cúng để cầu cho tiền bạc rủng rỉnh
- Lau dọn bàn thờ Thần Tài, Thổ Địa và gia chủ cúng kiếng đã tắm rửa sạch sẽ, thay quần áo kín đáo trang nghiêm
- Đọc văn khấn giọng to, rõ ràng
- Mở các cánh cửa trong nhà trong thời gian cúng để tài lộc vào nhà
Văn khấn cúng thần Tài ngày Mùng 10
Nam mô A Di Đà Phật!
– Con lạy chín phương Trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.
– Kính lạy ngài Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.
– Con kính lạy ngài Đông Trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.
– Con kính lạy Thần Tài vị tiền.
– Con kính lạy các ngài Thần linh, Thổ địa cai quản trong xứ này.
Tín chủ con là…
Ngụ tại…
Hôm nay, ngày… tháng… năm…
Tín chủ thành tâm sửa biện, hương hoa, lễ vật, kim ngân, trà quả và các thứ cúng dâng, bày ra trước án kính mời ngài Thần Tài vị tiền.
Cúi xin Thần Tài thương xót tín chủ, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật phù trì tín chủ chúng con an ninh khang thái, vạn sự tốt lành, gia đạo hưng long thịnh vượng, lộc tài tăng tiến, tâm đạo mở mang, sở cầu tất ứng, sở nguyện tòng tâm.
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ cúi xin được phù hộ độ trì.
Nam mô A Di Đà Phật!
Cách trang trí bàn thờ gia tiên
Bàn thờ gia tiên trong nhà là nơi linh thiêng nhất, cần được dọn dẹp sạch sẽ, nhang đèn hoa cúng đầy đủ để luôn giữ phần tâm linh trong nhà cửa. Gia tiên cửu huyền được con cái thờ phụng chu đáo là sự tiếp nối dòng chảy văn hóa dân tộc, kế thừa tinh thần của gia nghiệp.
Mỗi bàn thờ gia tiên trong nhà dù lớn nhỏ đều cần được bố trí nơi cao ráo, đẹp nhất trong nhà, đầy đủ ánh sáng, không được ẩm mốc, tối tăm. Cách trang trí bàn thờ gia tiên nhà cấp 4 đơn giản bàn thờ cao mét bảy, để di ảnh, mâm quả, bình hoa trên bàn thờ, lư hương, đèn dầu đã đủ thành kính.
Nếu có điều kiện hơn, cần chăm chút bàn thờ gia tiên đẹp nên đặt làm trọn bộ từ bàn thờ, hoành phi, câu đối chung mẫu và màu gỗ. Bộ đồ cúng nước, quả, bình hoa cũng nên chung một bộ và giữ gìn.
Chăm chút trang trí bàn thờ tết không thiếu những vật phẩm trên bàn thờ tốt đẹp quý giá nhất như cách con cháu dâng cho người trên thành quả lao động cả năm. Hộp bánh, hộp kẹo mứt, tháp bánh kẹo đều cần trang trí đẹp mắt để bàn thờ ngày tết thêm phần vui tươi, cho một mùa Xuân nhiều lộc lá.
Nếu chỉ trang trí bàn thờ đơn giản thì sự đồng bộ, sạch sẽ đã đủ như mẫu bàn thờ cúng bên dưới.
À mà bàn thờ gia tiên dạng treo tường thì các bác đóng chắc chắn vào nhé, có 2 thanh giá đỡ bên dưới càng tốt cho chắc. Nhưng dù gì thì cũng không trưng bàn thờ treo quá cao, vừa khó dọn dẹp, thắp nhang cũng dễ có tai nạn khi leo trèo. Cũng chưng biện đồ cúng nhẹ nhàng, và tránh mấy con mèo mập trèo lên ngồi mập quá thì sập bàn thờ mất thôi.
Trang trí phòng thờ kết hợp phong cách Châu Âu và Việt Nam
Riêng với anh Lưu Công Thành, Tết là của gia đình, là lúc chúng ta dành thời gian nghĩ về bố mẹ, ông bà… Năm nay, gia đình anh Thành chọn đón Tết bằng việc sửa sang và trang hoàng lại không gian phòng thờ.
Đặc biệt, cách trang trí phòng thờ của gia đình anh Thành hoàn toàn không giống những thiết kế phổ biến hiện nay. Anh bố trí gian thờ với kiến trúc Châu Âu, cùng với đó là trưng bày những tác phẩm nghệ thuật Việt Nam như đồ mộc, gốm sứ, tranh sơn mài… đều do chính tay các nghệ nhân Việt Nam chế tác.
Anh Thành chia sẻ các bình gốm sứ để bày biện, trang trí được anh mua tại Bát Tràng. Ngoài khu vực bàn thờ chính, anh Thành còn sử dụng rất nhiều các bức tranh, bình, lọ của Việt Nam… để trang trí, tăng phần trang nghiêm cho không gian.
Dù không đi theo các thiết kế truyền thống nhưng anh vẫn giữ được sự trang nghiêm mà ấm cúng. Mang đến không gian vô cùng hài hòa, vừa tĩnh lặng, đảm bảo tính tôn nghiêm lại vừa có cửa sổ thông thoáng.
Hiện tại, dù phòng thờ của gia đình anh Thành mới chỉ hoàn thiện được 1/3, nhưng anh không vội và có kế hoạch trang trí không gian còn lại trong nhiều năm. Những phần chưa kịp trang trí, anh dự tính sẽ sưu tầm dần dần sao cho phù hợp với không gian nhất.
Trang trí bàn thờ Phật đẹp
Bàn thờ Phật đẹp luôn là ao ước của nhiều người Phật tử. Nếu không phải Phật tử thì nhiều gia đình ở Việt Nam vẫn có bàn thờ Quan Thế Âm Bồ Tát trên cao. Trang trí bàn thờ Phật đẹp cần phải chọn nơi cao ráo, sạch sẽ, đủ sáng mới tốt.
Ở những đô thị lớn “đất chật người đông”, nhất là những căn hộ hiện đại bị hạn chế về diện tích, nhiều gia chủ thường chỉ có thể sắp xếp chỗ trang trí bàn thờ Phật đẹp trong những khu vực sinh hoạt chung như sảnh, tiền phòng.
Hoặc gia chủ có thể thiết kế góc thờ, bàn thờ trong khoảng trống giữa mặt bằng căn hộ hoặc các phòng chức năng, thậm chí là kết hợp với vách ngăn phòng thờ, kệ ngăn phòng, tủ trang trí…
Điều này cũng không ngoại lệ với gia đình chị Ngọc Linh. Khu vực thờ Phật được chị đặt trên cao với thiết kế đơn giản, tránh cầu kỳ hay lạc lõng. Khu vực này không cần quá to lớn, nhưng vừa đủ thông thoáng và trang trọng.
Chị Linh thường xuyên chăm chút, bày biện bàn thờ bằng những bình hoa tươi thắm, những quả Phật thủ xanh tươi, mang đến hương thơm dịu nhẹ cho căn phòng.
Bàn thờ Phật tại gia vừa đẹp giản dị, lại vừa tinh tế và ấm cúng, sẽ giúp tâm hồn và cuộc sống của gia chủ thêm an nhiên và thư thái.
Không gian thờ cúng – nơi mọi muộn phiền bỏ lại sau cánh cửa
Khác với gia đình chị Linh, không gian thờ cúng của gia chủ Nguyễn Hoài Phương được đặt trọn vẹn tại một phòng riêng biệt, vừa đảm bảo kín đáo lại vừa đủ trang nghiêm mà vẫn toát lên vẻ ấm cúng.
Có thể nói, điều quan trọng nhất của việc lập bàn thờ Phật không nằm ở cách bày biện, trang trí sao cho long trọng, đẹp đẽ nhất. Mà chính là ở lòng thành tâm của chính gia chủ.
Anh Phương dành diện tích tương đối lớn cho gian thờ Phật để có thể tự mình bày biện sao cho chỉnh chu và cẩn thận nhất. Trong phòng còn được đặt cây thạch xương bồ với mùi thơm nhẹ nhàng, đây cũng là không gian để gia chủ thưởng trà và suy ngẫm về cuộc sống thường nhật.
Dù là nhà ở truyền thống hay hiện đại thì bàn thờ luôn phải đặt ở vị trí cao ráo, sao cho các không gian sinh hoạt khác không thể xâm phạm được. Đồng thời, bàn thờ nên thiết kế đơn giản, tránh cầu kỳ rườm rà hay cảm giác nặng nề, tạo sự tôn nghiêm nhưng vẫn gần gũi với các thành viên trong gia đình.
Hy vọng hướng dẫn cách bày trí sắp xếp bàn thờ gia tiên đẹp trên đây sẽ là những thông tin bổ ích cần thiết nhất cho mọi gia đình nhé.