Không ai dám nghĩ bản thân mình sẽ gặp những cú lừa từ vài triệu đến chục triệu như thế…ngay tại nhà mình. Những dịch vụ và thiết bị giả tràn lan khắp nơi với các chiêu thức tinh vi và khi gia đình gấp rút như bồn cầu tắc, điều hòa hư, điện có vấn đề… Các chiêu trò tinh vi này sẽ được cải biên mới hơn hoặc ở một dạng thức khác, dịch vu khác trong tương lai… Nhưng cơ bản chỉ cần nắm rõ cách thức của 4 cú lừa này, gia đình sẽ hiểu và tránh được kha khá các khoản mất tiền oan uổng.
Mục Lục Nhà Cấp 4
Cú lừa của dịch vụ thông tắc bồn cầu
Cú lừa của các dịch vụ thông tắc bồn cầu diễn ra nhiều năm nay nhưng chưa năm nào là hết người bị lừa, các hóa đơn từ 4tr-20tr là rất bình thường, tùy vào “cái tâm” của các dịch vụ. Thông tắc bồn cầu trong nhà là việc gây rất khó chịu và bất tiện sinh hoạt của cả gia đình, hầu như phải chữa ngay, chữa gấp. Lợi dụng sự gấp rút của vấn đề “tế nhị” này, các đơn vị thông cầu đã hết sức nhanh chóng có mặt và ép các gia chủ vào thế “sự đã rồi, phải ráng thôi”.
Những cách ra chiêu mà gia chủ thiếu kinh nghiệm không né được:
- Hút hầm cầu bằng lò xo, khai khống số mét dài của dây lò xo. Thông thường đường ống cống nhà chung cư chỉ dài từ 3-4m, nhưng thợ thông bồn cầu sẽ thông dây thủ thuật vào cả đường ống xả thải chung của chung cư, có khi dài tới 20m, thu của khách 500k/m dài, thì đã có hóa đơn 5tr
- Hút bể phốt không sạch sẽ, hoặc có trò đổ ngược từ xe bồn vào bể phốt nhà người khác. Vài ngày sau cống của gia đình vẫn tắc và gọi lại thì không liên lạc được.
- Ăn gian khối lượng hút chất thải vào xe bồn, gia chủ không có cách nào kiểm tra khối lượng đang có trong bồn chứa. Dịch vụ báo bao nhiêu phải trả tiền bấy nhiêu.
Cách thức tinh vi, cùng cách nói lươn lẹo để nhanh chóng đẩy chủ nhà vào thế làm ngay theo thỏa thuận ban đầu sau đó làm xong mới báo giá trên trời khiến gia chủ tá hỏa Nhưng do bị lỡ trớn ban đầu dịch vụ bảo phải kiểm tra sửa xong mới tính được nên gia chủ chủ quan không hỏi kỹ các thông tin giá tiền.
Không rành thông bồn cầu nên làm gì?
Rất nhiều khi anh chị vào thế nhưng không kịp chuẩn bị tinh thần, mắt nhắm chân đưa thế là ra cái hóa đơn vài triệu trong khi nếu thông qua một đơn vị chính thống hoặc do BQL giới thiệu dịch vụ tiêu chuẩn chỉ tốn vài trăm nghìn. Đặc biệt là phụ nữ, người lớn tuổi, càng dễ bị vào thế, khi ra hóa đơn dễ bị nhằng nhèo, không đưa tiền không chịu đi khỏi nhà.
Như vậy, sau đây là một số lưu ý để cả gia đình chuẩn bị nếu bồn cầu có vấn đề:
- Hãy bình tĩnh, nhà nào cũng sẽ phải gặp tình trạng như vậy rất nhiều lần trong đời
- Chuẩn bị trước tình huống dùng nhờ nhà vệ sinh hoặc bồn rửa chén ở nhà hàng xóm, nhà người thân
- Sau đó, tìm thật kỹ dịch vụ thông hút bồn cầu tại địa phương, ưu tiên nhất: BQL chung cư, hàng xóm, người quen đã dùng dịch vụ
- Dịch vụ lạ tìm trên mạng phải đủ các thông tin: Mã số doanh nghiệp, địa chỉ rõ ràng
- Dùng dịch vụ với điều kiện có hợp đồng đảm bảo, không nói miệng hứa hẹn miệng, để sửa xong mới tính được
- Gọi ngay cho công an nếu cảm thấy có dấu hiệu lừa đảo, không chấp nhận đàm phán với bất kỳ cái giá nào chưa thực sự phù hợp và rõ ràng
Các chiêu moi tiền khách của thợ sửa điều hòa
Mùa hè nắng nóng là thời điểm các thợ sửa điều hòa có nhiều việc làm nhất, nhưng không ít người lợi dụng điều này để trục lợi. Các dịch vj sửa điều hòa ở khắp cả nước được quảng cáo trên mạng dễ dàng tìm thấy và đây là một số hình thức moi tiền khách của các thợ sửa không có tâm.
Thợ sửa điều hòa không có tâm thường nhắm đến đối tượng là người ít hiểu về đồ điện lạnh, phụ nữ, người trẻ tuổi, người cao tuổi. Nhiều trường hợp khổ chủ nghe thợ sửa phán bệnh của điều hòa sao là nghe vây. Đến khi trả tiền rồi mới sinh nghi rồi tìm hiểu lại, hỏi thăm người quen mới biết mình bị moi tiền.
Một số bệnh được phán:
“Điều hòa bị cháy tụ/hỏng tụ”
Một chị gái ở Hà Nội gọi điện cho dịch vụ sửa điều hòa trên mạng sau một đêm nóng nực do điều hòa hư. Thợ sửa tới báo điều hòa bật không lên, báo là cháy tụ, phải đem về sửa chữa do cửa hàng không sẵn linh kiện. Ngày hôm sau, điều hòa được giao trả, chị gái trả 600k và điều hòa mát rượi. Điều này hoàn toàn ổn cho đến khi chồng chị đi công tác về kiểm tra lại thì chỉ có điều khiển điều hòa được thay pin mới.
Lỗi ở chiếc điều khiển hết pin, nhưng chị phải trả 600k. Các thợ sửa điều hòa có tâm cho biết, tụ điều hòa hư thì thay mới, không sửa chữa nữa…
Lỗi cháy tụ được dùng nhiều vì thợ sửa điều hòa không có tâm sẽ dễ dàng hét giá lên 2-3tr để sửa tụ, thay tụ. Đôi khi vấn đề nằm ở đường dây điện bị chuột cắn phá, dẫn đến việc không lên nguồn, thế là anh thợ cũng bảo cháy tụ, trong khi việc thay đường dây điện chỉ tiêu tốn 100-200k.
Một số “bệnh khác” khá nặng… tiền
- Điều hòa hỏng IC, chập nguồn được báo giá thay 2.5tr. Nhưng có thể lỗi chỉ ở cầu chì, relay thay khoảng 400k
- Bệnh hết gas, màng lọc bẩn dẫn tới việc kém lạnh, “bệnh” này chữa cần 600k
- Bệnh chảy nước ở cửa gió, chỉ cần chỉnh lại ống nước cho khỏi tắc
- “Bệnh” của người dùng đặt sai chế độ máy lạnh nhưng không biết
- Hoặc lắp đặt mới, nhưng việc tính toán ống đồng “nhầm dư” ra, “bệnh” này chữa vài triệu
Không rành điện lạnh nên làm gì?
Điểm chung của các vu lừa điều hòa là người ít hiểu biết về thiết bị gia dụng, lợi dụng sự bức bôi của thời tiết nắng nóng như hiện nay và bày vẽ của thợ sửa. Gas trong máy lạnh mới thường dùng được vài năm không hết, nên việc máy lạnh hay không đa số không vì gas hay cần bơm gas. Các chứng bệnh khác thì khó biết được có đang vẽ bệnh ra không.
Giải pháp dễ dàng nhất: chỉ gọi thợ sửa điều hòa của các đơn vị nổi tiếng như Tận Tâm(Thegioididong), Viettel, hoặc thợ sửa theo hãng điều hòa.
Thay lõi lọc nước tại nhà
… và mất tiền oan
Các gia đình ở Hà Nội gần dây nhận được các cuộc gọi của trung tâm bảo dưỡng máy lọc nước gia đình, mời chào để đến kiểm tra máy lọc nước định kỳ. Nếu được sự đồng ý của gia chủ, một người đàn ông sẽ tới xem xét máy lọc nước và thông báo cần thay lõi lọc, nhưng với giá 2-3 lần lõi lọc bình thường. Khi gia chủ yêu cầu xem bảng giá gốc của công ty, người đàn ông đưa ra một tờ giấy có báo giá nhưng đóng dấu mờ nhòe ở góc.
Ngoài báo thay lõi lọc nước, người đàn ông tự xưng dịch vụ sẽ báo thay thêm màng lọc RO, hay báo vòi nước bị rỉ đế để tăng thêm hóa đơn cho gia đình. Nhiều nạn nhân còn cho biết có người tiếp cận họ bằng quảng cáo facebook, chèo kéo lấy thông tin liên lạc trên các group cư dân, đến nơi thay lõi lọc giá bình thường nhưng tư vấn mua gói bảo dưỡng 2 năm để có giá rẻ hơn. Gia đình đồng ý mua nhưng sau đó đến thời hạn bảo dưỡng lại không liên lạc được với số điện thoại này.
Các nạn nhân sau khi thay lõi lọc với giá đắt nghi ngờ nên gọi điện lên hãng nhưng được hãng thông báo không có chính sách cho nhân viên gọi điện cho khách hàng. Nếu là nhân viên của hãng máy lọc nước phải có mặc đồng phục.
Cần làm gì khi gia đình cần thay lõi lọc nước
- Không nhận lời các dịch vụ chưa rõ nguồn gốc, chưa có mã số doanh nghiệp rõ ràng
- Chỉ nên gọi lại đơn vị đã bán máy lọc nước cho mình và hỏi dịch vụ thay lõi lọc.
Thiết bị tiết kiệm điện
Thiết bị tiết kiệm điện quả là chiêu trò mới gần đây nhân lúc giá điện đang lên mà xuất hiện. Trên rất nhiều quảng cáo mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử xuất hiện mặt hàng thiết bị tiết kiệm điện hoặc Electricity Saving Box được quảng cáo có công năng tiết kiệm hơn 40% lượng điện tiêu thụ hằng tháng. Nếu không đáp ứng yêu cầu này, người bán sẵn sàng hoàn tiền 100% cho khách. Ngoài ra thiết bị còn có thêm công năng chống sét an toàn hơn cho gia chủ vào mùa mưa.
Nhiều người đã tin và mua về dùng thử, dù cái giá 500k/cái nhưng sau một tháng sử dụng, họ vẫn thấy số điện trên hóa đơn không hề giảm. Khi tìm hiểu kỹ hơn về cấu tạo của thiết bị tiết kiệm điện người ta nhận thấy nó gồm 1 tụ điện, 8 điện trở và 1 diot nén siêu đơn giản để làm sáng cái đèn của thiết bị. Ngoài ra không có nguyên lý nào làm lượng điện tiêu thụ của gia đình giảm bớt có vẻ đáng tin.
Cần làm gì để tiết kiệm điện?
Hiện tại chưa có thiết bị nào có công dụng tiết kiệm điện thần kỳ như trên. Nhưng nhu cầu giảm hóa đơn tiền điện của các gia đình vẫn luôn tồn tại, nên sau đây là một số gợi ý
- Sử dụng những thiết bị điện có hiệu suất cao, loại bỏ bớt các thiết bị điện đời cũ gây lãng phí điện như Quyết định 14/2023/QĐ-TTg
- Tắt bớt các thiết bị điện khi không có nhu cầu thật sự, không để các chế độ standby gây lãng phí điện năng
- Sử dụng các “cách thiên nhiên” để phục vụ nhu cầu như gió tự nhiên thay vì quạt hay điều hòa, ánh sáng tự nhiên thay vì ánh sáng đèn điện…